Nếu "red flag" chỉ những dấu hiệu cảnh báo về mối quan hệ không lành mạnh, thì ngược lại "green flag" là dấu hiệu mà bạn đã chọn đúng người.
Có một cụm từ khá phổ biến gần đây - “red flag” (hay còn gọi là cờ đỏ) chỉ những dấu hiệu cảnh báo về một mối quan hệ không lành mạnh mà bạn nên dừng lại. Ngược lại với độ phủ sóng của việc sử dụng “red flag” trên mạng xã hội, “green flag” - những mặt tích cực, lại được ít người biết đến hơn.
Trong môn thể thao đua xe, cờ xanh được sử dụng làm tín hiệu bắt đầu đua. Tương tự trong tình yêu, trái ngược với cảnh báo dừng lại, đề phòng của cờ đỏ, thì cờ xanh là tín hiệu của sự an toàn, tiến lên trong một mối quan hệ.
Trái ngược với cảnh báo dừng lại, cờ xanh là tín hiệu của sự an toàn trong một mối quan hệ
Dưới đây là 10 dấu hiệu giúp chúng ta nhận ra liệu người ấy có phải “ý trung nhân” hay không.
Nếu người ấy luôn tập trung nghe, tạo không khí thoải mái cho bạn và cố gắng hiểu câu chuyện bạn kể, thì đây là một điểm cộng rất lớn.
Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, Tiana Leeds cho rằng, ở trong một mối quan hệ thân thiết, việc chủ động lắng nghe có thể giúp nâng cao sự đồng điệu về mặt cảm xúc lên một tầm cao mới. Đặc biệt, việc đó giúp người nói có cảm giác thoải mái khi được “xả” và “được” yếu đuối.
Việc chủ động lắng nghe có thể giúp nâng cao sự đồng điệu về mặt cảm xúc.
Vậy nên khi đối phương chủ động lắng nghe, họ không chỉ cố gắng để hiểu câu chuyện của bạn, mà chứng tỏ họ còn sẵn sàng đặt mình vào phía của bạn trong những lúc cãi vã.
Trong một mối quan hệ lành mạnh, không chỉ có một người luôn nói và một người luôn lắng nghe, mà phải luân phiên đổi vị trí ấy cho nhau. Nếu đối phương có thể kể với bạn những câu chuyện có phần tâm trạng một chút, không ngại ngần bày tỏ cảm xúc của họ, điều đó sẽ tạo ra sự thoải mái giữa hai người.
Họ thoải mái chia sẻ về cảm xúc của mình
Người ấy hiểu rõ được bản thân, bao gồm cảm xúc, hành vi, kỳ vọng, nỗi sợ hãi, ước mơ và cả sự ảnh hưởng của họ lên những người khác. Việc hiểu bản thân giúp cả hai định hình được vấn đề và nguyên nhân khi xảy ra mâu thuẫn.
Điều đó cũng nói lên việc họ biết được mình muốn gì trong mối quan hệ này. Ví dụ, họ sẽ thẳng thắn về việc họ muốn một mối tình nghiêm túc hay đơn thuần chỉ là hẹn hò cho khuây khỏa. Bởi vì, đơn giản, một người yêu biết quan tâm và trưởng thành sẽ không giấu giếm bạn về những ý định cho mối quan hệ.
Người ấy chủ động “lên kèo”, trả lời tin nhắn của bạn với “tốc độ ánh sáng”, không ngại thể hiện là họ đã rất thích bạn rồi. Theo nhà tư vấn tình cảm Shula Melamed, sự chủ động xuất hiện là điều thiết yếu trong một mối quan hệ nghiêm túc mà hai người cần phải thể hiện hàng ngày.
Đây là những dấu hiệu đầu tiên của sự cam kết mà cả hai phải có khi tiến vào mối quan hệ tình cảm. Bởi để xây dựng tình cảm luôn cần sự nỗ lực, cho và nhận giữa hai bên.
Họ chủ động trong mối quan hệ
Một mối quan hệ lành mạnh là khi hai người đều có thời gian để suy nghĩ, cân nhắc và nảy sinh tình cảm với nhau một cách từ từ. Người ấy sẵn sàng để bạn có không gian và thời gian riêng, không cần phải tạo áp lực, hay “love bombing” (việc “dội bom” những cử chỉ, lời nói thể hiện tình cảm một cách quá đà) để tác động tới suy nghĩ của bạn nếu bạn chưa sẵn sàng.
Đối phương quan tâm và đối xử với bạn một cách ân cần mọi lúc, kể cả khi hai người đang giận dỗi nhau. Không chỉ với bạn, mà họ còn biết quan tâm tới những người xung quanh như bố mẹ, bạn bè, hay kể cả những người bạn mới quen. Việc họ “đối nhân xử thế” với mọi người sẽ thể hiện cách họ đối xử với bạn khi hai người tiến tới tình yêu.
Tuy nhiên, không có ai hoàn hảo cả, dù họ luôn hỏi han, quan tâm, chăm sóc, họ vẫn cần thời gian để hiểu bạn cần gì, và luôn cố gắng đáp ứng tốt nhất có thể. Kể cả khi họ không thể đáp ứng được những nhu cầu đó, họ sẽ luôn biết cách trao đổi về khả năng của mình để bạn không cảm thấy bị hụt hẫng.
Họ luôn biết quan tâm tới bạn và những người khác
Khi người ấy có tâm lý ổn định, bạn có thể tin tưởng và hiểu được cách họ sẽ luôn đối xử với bạn và cách họ phản ứng với những tình huống khác nhau trong cuộc sống.
Ngược lại, nếu họ khó đoán và thất thường, đây là một “red flag” cực kỳ nguy hiểm, điều này sẽ khiến bạn cảm thấy bất an và tự hỏi rằng liệu có phải mình đang hẹn hò với một chiếc “tàu lượn” hay không.
Bạn có thể được là chính mình khi ở cạnh họ, mà không cần phải cố gắng xây dựng hình tượng hoàn hảo hay không cần phải dè chừng để khiến họ không cảm thấy bị làm phiền. Bạn luôn có thể nói ra những gì mình suy nghĩ, mà không sợ bị phán xét.
Bạn có thể được là chính mình khi ở cạnh họ, mà không cần phải cố gắng xây dựng hình tượng hoàn hảo.
Nếu bạn cảm thấy phần lớn thời gian bên nhau, cả hai đã mang lại cho nhau sự tích cực và niềm vui, thì đây là “lá cờ xanh” cho một mối quan hệ có đủ sự tin tưởng và an toàn.
Bạn cảm thấy thoải mái khi ở bên họ
Họ đã có những thay đổi lớn, trưởng thành hơn so với bản thân họ trước khi bước vào mối quan hệ với bạn. Họ không tỏ ra cố chấp, biện hộ khi nhận được những lời góp ý, có trách nhiệm hơn với những hành động và lỗi sai của mình, dần dần thay đổi tích cực hơn. Thay vì chỉ nói và hứa suông, họ sẽ biến nó thành hành động để chứng minh với bạn.
Trong một mối quan hệ lành mạnh, hai người không cần phải lúc nào cũng “dính lấy nhau như sam”. Việc quá dựa dẫm vào người còn lại có thể là một con dao hai lưỡi - ban đầu sẽ có cảm giác thỏa mãn khi luôn được chăm sóc tận tình, cho đến khi người đó phụ thuộc đến nỗi không thể sinh hoạt độc lập và người còn lại thì cảm thấy mình cho đi quá nhiều mà không nhận lại được gì - thì mối quan hệ sẽ dần trở nên độc hại.
Cả hai đều có cuộc sống riêng
Ngược lại, mỗi người cần phải khuyến khích và thúc đẩy người còn lại cùng nhau phát triển bản thân và trở nên tự lập. Hai người yêu nhau nhưng vẫn phải có thời gian dành cho bản thân, vẫn có những sở thích, những mối quan hệ thân quen như bạn bè, gia đình. Đặc biệt là luôn cho nhau không gian riêng để cùng nhau trở nên tốt hơn trong cuộc sống.